Những điều cần biết trước khi vào làm việc tại EGANY

21 mins read

Lời mở đầu

Nhân dịp gần đây EGANY mở đợt tuyển dụng Front-end và Product, mình có trực tiếp tham gia phỏng vấn các bạn ứng viên nên sẵn hứng viết bài này luôn.

Mọi thông tin có thể chưa kể được hết về văn hóa và con người ở EGANY. Chỉ là mình thấy trong lúc hỏi han trò chuyện cùng nhau thì những mục bên dưới là được nhắc tới nhiều nhất.

Thông tin tuyển dụng của EGANY ở đâu

Các thông tin tuyển dụng thì công ty mình hay cập nhật tại đây – blog chính thức của EGANY. Còn lại thì tùy đợt có thể đăng trên các trang tuyển dụng khác như TopDev hoặc ITViec, thật ra thì mỗi năm cũng tuyển rất ít người ^^.

Ứng tuyển vào EGANY

Bạn có thể ứng tuyển vào EGANY bằng cách gửi CV và thông tin của mình tới email hr@egany.com, ghi rõ vị trí muốn ứng tuyển ở tiêu đề email.
Thường nếu ứng tuyển vị trí lập trình viên, bạn phải vượt qua vài bài test nhỏ nhỏ trước khi được phỏng vấn.

Ngoài ra, nếu không ngay đợt đăng tuyển, nếu thích bạn cứ mạnh dạn nộp hồ sơ thử xem, biết đâu chúng ta hợp nhau. Sự thật là có nhiều bạn ứng tuyển vào EGANY dù không có một đợt tuyển dụng nào cả.

Quy trình tuyển dụng tại EGANY

  1. Ứng tuyển: Chọn vị trí mà bạn muốn ứng tuyển, gửi CV và thông tin của bạn tới địa chỉ email hr@egany.com.
  2. Kiểm tra đầu vào: Bạn nhận bài, gửi email xác nhận để tiến hành làm và gửi lại đúng hạn (dù làm không kịp) để công ty đánh giá sơ bộ năng lực của bạn.

    Thường bạn sẽ nhận kết quả kiểm tra đầu vào sau 1 tuần, vượt qua sẽ có lịch hẹn phỏng vấn. Tùy vị trí mà có thể sẽ kết hợp cả phỏng vấn và kiểm tra năng lực cùng lúc luôn.

  3. Phỏng vấn: Đa số qua kênh Google Meet / Zoom / Skype hoặc gặp trực tiếp. Nói là phỏng vấn chứ chủ yếu là chia sẻ quan điểm, góc nhìn và câu chuyện của bạn với công ty. Và mọi người ở đây cũng chia sẻ ngược lại cho bạn văn hóa tại EGANY, bạn có thể thấy mình phù hợp hoặc không.
  4. Thử thách 5 ngày đầu: Đây là điểm đặc biệt tại EGANY ở trong tuần đầu tiên vào công ty.
    Chủ yếu bạn được đào tạo, hướng dẫn về quy trình, công cụ, công nghệ và các thông tin khác liên quan. Bạn còn được anh/chị khác hỗ trợ đánh giá khả năng tương tác, tốc độ tự học, khả năng tư duy, trách nhiệm và thái độ trong công việc.

    Cuối tuần bạn sẽ được anh/chị ở đây tổng kết lại để chia sẻ riêng (dù cho kết quả ra sao). Đến ngày cuối tuần, bạn đều nhận được những đóng góp quý báu, giúp bạn phát triển tốt hơn trong tương lai.
    Sau tuần này bạn sẽ ngạc nhiên vì bạn chưa làm gì mà được nhiều hơn những gì bạn tưởng đấy 😉

  5. Thử việc: Được nhận thông báo chúc mừng vượt qua bước 4. ở trên. Lúc này bạn tiếp tục được đào tạo và làm việc trên các dự án thực tế tại công ty. Lúc này bạn được chiến với team thực sự và dần sẽ “ăn rơ” hơn khi teamwork nhiều.
    Hai tháng này khá cam go, vì không còn thử “sương sương” như 5 ngày đầu nữa, bạn cần phát huy tối đa kĩ năng chuyên môn và kĩ năng mềm của mình để cùng team giải quyết các vấn đề thực tế.

Bước kế tiếp không cần kể nhỉ, lúc này thì kí hợp đồng chính thức, trở thành một EGANYer rồi, lại đi ăn mừng thôi 🥳.

Thời gian làm việc

Giờ làm việc chính tại EGANY trong tuần là từ thứ 2 đến thứ 6.

  • Sáng từ 08h30′ – 12h00′
  • Chiều từ 14h00 – 17h30′

Phải rồi, 14h00′ mới làm à, nghỉ trưa hơi lâu nhỉ!?!

Ở EGANY mọi người được nghỉ trưa, thư giãn thoải mái tận 2 tiếng. Dĩ nhiên, có vài “thanh niên” chẳng chịu ngủ mà lên lầu chơi đàn, chơi cờ hoặc ngồi đọc sách hoặc.. chẳng làm gì cả.

Cập nhật từ 9/2021, công ty đã chuyển sang làm việc online:

Bình thường mới sau đợt đại dịch covid cũng làm thay đổi khá nhiều mô hình làm việc tại công ty nhưng văn hóa công ty vẫn duy trì.

Vậy nên anh Founder đã chuyển 80-90% nhân sự hiện tại sang làm việc từ xa, chỉ các vị trí liên quan paperwork thì lên văn phòng.

Hàng tuần, nếu sắp xếp được anh em sẽ gặp nhau 1-2 ngày để họp hành và trao đổi nội công, còn lại thì muốn ngồi đâu làm việc cũng được.

Cơ hội được học hỏi và chia sẻ

Văn hóa chia sẻ là thứ được đề cao tại EGANY, vì vậy chiều thứ sáu hàng tuần đều có lịch chia sẻ cố định. Lần lượt từng người sẽ thay phiên nhau chia sẻ về bất kì chủ đề gì.

Có lúc thì chia sẻ “Cách viết nhật ký”, “Cách học đàn ukulele”, “Bí kíp cưa gái”, lúc thì “Phốt Javascript, CSS trong dự án tháng rồi” hay “Câu chuyện vào nghề của em”..v.v..

Chia sẻ về cách chơi nhạc cụ 101

Sau buổi present thoải mái còn được từng người góp ý để cải thiện tốt hơn kĩ năng nói, kĩ năng làm slide và những vấn đề liên quan khác.

Ngoài buổi thuyết trình tự do ở trên, còn có các buổi workshop (thường diễn ra vào thứ 5) chuyên môn và hấp dẫn hơn.
Ví dụ “Sử dụng array[] nâng cao trong JavaScript” hay “Làm slide sao cho khoa học và dễ hiểu”.. . Hoạt động này dựa trên tính tự nguyện tổ chức và tự nguyện tham gia hoàn toàn cho mọi người.

Chia sẻ về Arry[] nâng cao trong Javascript
Chia sẻ về Arry[] nâng cao trong Javascript
Thật ra còn hằng hà sa số các buổi họp ngắn, cà phê và ăn uống riêng lẻ để các thành viên tự chia sẻ với nhau. Mọi người xem nhau như là anh em và sẵn sàng giúp đỡ nhau trong mọi việc.

Chị Quỳnh chia sẻ về xử lý ngôn ngữ tự nhiên với DialogFlow

Đôi lúc bạn sẽ thấy bất ngờ vì những câu chia sẻ chuyện nghề và kinh nghiệm sống rất chân thành. Điều này giúp bạn đỡ “giẫm mìn” và rút ngắn được lộ trình nghề nghiệp hơn rất nhiều lần.

Cơm trưa

Đây lại là văn hóa được giữ suốt hơn 5 năm nay, và là điều mọi người thường cảm thấy thích nhất. Vì sao?

  • Bạn được ăn cơm trưa miễn phí.
  • Mọi người sẽ cùng nhau ăn tại công ty luôn.
  • Và các món ăn ngon, hợp vệ sinh, chuẩn cơm mẹ nấu (hoặc anh Founder Sen nấu ^^)

Cơm bình thường

Đặc biệt hơn, ăn tại gia nên dĩ nhiên ăn xong phải dọn dẹp. Đúng, mỗi người một lượt rửa chén. Ví dụ: hiện có 12 người thì khoảng nửa tháng hơn sẽ tới lượt bạn rửa chén 1 lần 😎.

Updated: Giờ làm việc remote 100% rồi nên lâu lâu gặp ăn chung sau vậy ^^

Chủ động đề xuất lương cho bản thân

Kể cả từ lúc mới phỏng vấn, nhận việc hay đã làm ở đây lâu năm, bạn luôn được chủ động đề xuất mức lương của mình sẽ nhận. Khi bạn thấy mình đã tiến bộ, có trách nhiệm và thực sự xứng đáng nhận mức lương cao hơn.

Hãy đến đập bàn sếp và nói: "Sếp ơi.. mình ra cà phê bàn chuyện tương lai nào 😌"

Được nghỉ phép bao nhiêu ngày trong năm

Thông thường, các công ty sẽ có quy định nghỉ phép tối đa 12 ngày / năm, và còn có nghỉ có lương và không lương. Ở EGANY không giới hạn số ngày nghỉ phép trong năm của bạn, việc này duy trì suốt hơn 5 năm qua rồi.
Bạn sẽ thắc mắc về điều kiện đúng không? Bạn đúng rồi, mình kể đây.
Chỉ cần bạn có trách nhiệm và kế hoạch nghỉ phép chuyên nghiệp thì luôn được duyệt.

Ví dụ, có anh Front-end hồi đợt nào đó (quên rồi) xin nghỉ phép 5 ngày + tranh thủ 2 ngày cuối tuần để dẫn người yêu đi Ninh Bình chơi.
Anh Front-end gửi cho sếp kế hoạch nghỉ phép gồm: tài liệu training công việc anh đang phụ trách, thời gian nghỉ rơi vào giữa năm (còn 2 tháng) và anh cũng đã dụ dỗ, training anh Front-end khác xử lý hộ việc của mình trong lúc anh đi chơi xa. 😁
Email chưa tới 10 dòng nhưng được duyệt ngay tắp lự.
Sếp điều chỉnh chút kế hoạch, bớt giao hành hẹ cho anh vào gần ngày đi chơi.

Kế hoạch nghỉ phép

☑️ Và những điều đặc biệt khác

Làm việc từ xa

Việc này không lạ tại EGANY, chị PM tại công ty hay ngồi nhà hoặc ra quán cafe ngồi làm việc khi không có cuộc họp nào quan trọng (dĩ nhiên chị làm rất hiệu quả). Chỉ cần làm việc hiệu quả, trách nhiệm và thời điểm phù hợp thì không nhất thiết bạn phải lên công ty.

Một chị gái dễ thương làm bộ phận Customer Service cũng vừa vào làm việc remote full-time từ Cà Mau đấy.

Giờ thì cả team cùng làm việc từ xa hết rồi ^^

Ownership

Từ khóa này gần như bao trùm mọi hoạt động trong công ty, để mọi người dễ hình dung thì đọc một đoạn mô tả trên Google thử..

Ownership is taking the initiative to bring about positive results. It means not waiting for others to act, and caring about the outcome as much as an owner of the company would. Taking ownership shows others that they can trust you to do the right thing.

Còn ở EGANY thì bạn hay được nhắc là..

Ở đây không có quản lý hoặc quản lý nhân viên cực kì ít. Task trên Trello/OpenProject/Jira hơn 90% là do các bạn tự họp hành, thống nhất, chia trách nhiệm rồi tạo việc rồi cam kết deadline để xử lý.

Ví dụ: Có dự án làm website bán hàng cho khách với mô tả cơ bản chưa rõ ràng. Product/BA sẽ đào sâu vô và làm việc với khách để làm rõ yêu cầu và đề xuất giải pháp, Dev và Design hỗ trợ hoặc chủ động đề xuất lại Product/BA giải pháp công nghệ tốt hơn, phù hợp với các ràng buộc hệ thống.
Xong vài buổi họp ngắn tự recap vấn đề, chia trách nhiệm và lên task list (có commit deadline) rồi tiến hành thực thi.

Chưa hết, ở đây còn có khái niệm Đặt câu hỏi phải có tính hợp tác. Nghĩa là khi bí, hoặc muốn hỏi gì, không có chuyện tới hỏi “phong long”, mà phải nêu được: vấn đề cần giải quyết, giải pháp đang (hoặc dự định) xử lý và đang vướng (hoặc muốn xin góp ý) chỗ nào.

Ví dụ:

  • Không nên: Chị Quỳnh ơi, cái menu này làm sao? (không ai biết làm gì và làm sao là làm thế nào cả)
  • Nên: Chị Quỳnh ơi, em đang code cái MegaMenu cần có icon đi kèm mỗi menu chính. Em nghĩ là sẽ để khách sẽ tự gõ class để hiển thị svg icon trong FontAwesome cho nhẹ. Mà giờ BA bảo khách khó xài quá. Em định gắn link hướng dẫn vào nhưng vẫn chưa dễ xài, chị gợi ý cho em thêm giải pháp với nhé.
    Đó, câu hỏi có tính hợp tác là giúp người nhận câu hỏi (dù đang bận) vẫn có thể hiểu vấn đề rất nhanh và biết mình đang kẹt ở đâu. Cũng chính là tự giúp mình được người khác giúp đỡ nhanh chóng hơn, tiết kiệm thời gian đôi bên.

Nói chung vô đây các bạn phải tự lập nhiều hơn bình thường, tự sắp xếp thời gian để làm việc từ xa và nghỉ phép được thoải mái hơn. Làm đúng nhiệm vụ, xong task sớm mà không còn việc gì cứ xin về sớm đi chơi nhé.

Thử sai

Do là công ty thiên hướng product (xây dựng mới) nhiều nên ở đây các bạn được thử sai khá nhiều chứ không quá bị ràng buộc.

Ví dụ: Back-end xin phép cấp cho 20 USD để dựng con server thử nghiệm Kubernetes trong 2 tháng xem có áp dụng cho công ty được không. Ô cê, sếp duyệt cho thử ngay. Nhưng nhớ sai nhanh (fail fast) để tiết kiệm chi phí (low cost), bớt lầy lội.

Việc thử nghiệm giải pháp thiết kế, quy trình hoặc công nghệ mới diễn ra ở EGANY mỗi năm rất nhiều. Dĩ nhiên thất bại cũng cực kì nhiều (hơn 80%), tuy nhiên công ty vẫn giữ điều này nhiều năm nay. Vừa là cơ hội cũng là vừa là thử thách với các bạn, giúp bạn được “trao quyền” để tiến bộ hơn.
Thật ra đôi lúc 10 cái thử nghiệm, thành công 2 cái (ngũ linh) là đủ gỡ vốn rồi ^^

Được đề xuất giải pháp

Dễ hiểu lắm, cái này liên quan trực tiếp tới từng thành viên trong công ty. Mọi người quan sát thấy gì có thể cải tiến được cứ âm thầm soạn sẵn mớ checklist (hoặc rủ thêm đồng bọn làm cùng) rồi đề xuất thôi.

Ví dụ:

  • Em muốn đề xuất thêm buổi workshop vào chiều thứ 5 hàng tuần, Thành sẽ là người host và kêu gọi anh em tham gia chia sẻ kiến thức chuyên sâu hơn.
  • Front-end Leader đề xuất anh em cùng làm tài liệu training nội bộ cho Front-end mới, để sau này người mới vào anh em đỡ vất vả hơn.
  • Em muốn đề xuất đầu tư mua màn hình 23inch để anh em DevOps có thể tăng productivity do hay làm đa nhiệm.

Khi xem xét thấy phù hợp thì sếp sẽ cho phép triển khai và cấp chi phí ngay.

Tham gia và đóng góp cho cộng đồng

Đây là điều mà EGANY khuyến khích và hỗ trợ rất nhiều. Không đâu xa, thành viên của công ty cũng đang là admin/mod của nhiều group như React Native Việt Nam, Bí Kíp Làm Web, JSLand và nhiều tổ chức khác.

Tổ chức event cho group React Native Việt Nam
Tổ chức event cho group React Native Việt Nam

Ngoài ra, các thành viên của team cũng tích cực tham gia các buổi Tech Talk chia sẻ của Google I/O Extended (2018, 2019) và WebSummit 2020

Anh Cường đi chia sẻ tại Google I/O Extended 2018
VietNam WebSummit 2020
Anh Cường và anh Thành đi chia sẻ tại VietnamWebSummit 2020

Product Owner của công ty cũng là người đóng góp cho các tổ chức phi lợi nhuận, hỗ trợ rất nhiều trong việc giúp phụ nữ tiếp cận với công nghệ như Women Meet Tech (được hỗ trợ bởi Gooogle và Đại Sứ Quán Mỹ).

Quỳnh Ruby - Women Meet Tech
Chị Quỳnh Ruby (PM) hoạt động trong tổ chức phi lợi nhuận Women Meet Tech
Chị Quỳnh được lên báo nè
Chị được lên báo vì hoạt động phi lợi nhuận sau thời gian dài nè

Việc tham gia các hoạt động là hoàn toàn tự nguyện, công ty tạo điều kiện để bạn có thể giao lưu học hỏi và kết nối nhiều hơn với cộng đồng. Từ đó cũng có thể xây dựng profile cá nhân bạn dày lên đáng kể đấy ^^

Hoạt động kết nối thành viên EGANY

Tại EGANY, các hoạt động team building diễn ra hết sức ngẫu nhiên và nhẹ nhàng. Do ở đây không có văn hóa nhậu nhẹt và ép bia rượu. Ai thích thì uống, không thì cứ nước lọc, nước ngọt làm tới. Mọi người cũng hay tự đề xuất để được chơi bời và thi đấu các trò khác nhau.

Giao hữu bóng đá EGANY – GeekUp

Hiện tại thì sau giờ làm tối thứ 6 hàng tuần thì có hoạt động của đội bóng EGANY FC diễn ra thường xuyên nhất.

Còn lại, chủ yếu các trò chơi khi đi chơi cả ngày, như ảnh bên dưới

Chơi game NES 4 nút
Đi mũi Cà Mau
Đi mũi Cà Mau
Đi bắn súng sơn
Chơi mini-game và bị bị phạt
Chơi mini-game và bị bị phạt.. làm thỏ

Có thể luân chuyển vị trí công việc

Dĩ nhiên rồi! Có thể bạn ứng tuyển vào làm Front-end Developer nhưng bạn lại có khả năng thiết kế cũng như can thiệp vào toàn bộ quá trình làm sản phẩm, có thể bạn phù hợp với vị trí Product Owner hơn đấy.
Việc luân chuyển vị trí dĩ nhiên không chỉ nên làm theo ý thích, bạn sẽ không đạt được tới đâu cả. Bạn còn trẻ và dĩ nhiên sẽ khó nhận ra mình còn những tiềm năng gì, nhưng ở EGANY, bạn sẽ được mentor hỗ trợ phát triển tiềm năng tốt nhất có thể.

Muốn được hỏi thêm về EGANY thì làm sao?

Dĩ nhiên một bài viết thì khó có thể mô tả hết về cuộc sống hằng ngày tại EGANY, nếu bạn còn thắc mắc có thể gửi email về hr@egany.com để hỏi thêm nhé.

À.. bạn cũng có thể mời mình đi cafe (hoặc bất kì EGANYer nào trong công ty) để.. “tra hỏi” thêm về EGANY nhé, mình không ngại đâu.

Cám ơn các bạn đã đọc tới đây, hết bài rồi 😃.

Cường Võ

Master Chef @ EGANY

Leave a Reply